HTX nông nghiệp Hoàng Sơn là một trong những điển hình
trong liên kết sản xuất trên địa bàn xã Ninh Tiến. Với quy trình sản xuất sạch,
thân thiện môi trường, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang được nhiều
HTX, doanh nghiệp liên kết bao tiêu, giá bán ổn định.
Liên kết để thành công
Mô hình sản xuất dược liệu gắn với du lịch trải nghiệm
của chị Hoàng Thị Lệ Diễm, Giám đốc HTX Hoàng Sơn, với hai giống cây trồng chủ
lực là hoa cúc chi và hoa hướng dương, đang cho giá trị kinh tế cao.
Chị Diễm cho biết trước đây, gia đình chị cấy lúa trên 2
mẫu ruộng. Từ năm 2017, gia đình áp dụng mô hình trồng cúc chi, cúc tiến vua
trên diện tích 1,8 ha. Mô hình được triển khai theo hướng nông nghiệp sạch, an
toàn sinh thái, phân bón từ phân trùn quế nên kết quả thu được cho giá trị tốt,
tính dược cao.
HTX Hoàng Sơn đang là
một trong những điển hình trong liên kết sản xuất, cho hiệu quả cao.
Đặc biệt, với mô hình cúc chi, khi đến vụ hoa nở rộ, gia
đình mở thêm dịch vụ du lịch cho du khách tới tham quan, chụp ảnh. Thu nhập từ
mô hình trồng hoa kết hợp du lịch trải nghiệm của gia đình chị Diễm đạt trung
bình 700 - 800 triệu đồng/1 ha, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động
địa phương.
“Trồng cây, hoa dược liệu theo quy trình an toàn sinh
học, nói không với hóa chất độc hại, giúp tôi cùng các thành viên HTX tạo nên
cảnh quan xanh, sạch, đẹp, gia tăng sức hút với khách du lịch, tham quan, trải
nghiệm. Mô hình không chỉ cho giá trị cao về kinh tế mà còn cho thấy những ưu
điểm vượt trội về môi trường”, chị Diễm chia sẻ.
Theo các thành viên HTX Hoàng Sơn, các sản phẩm hoa dược
liệu, đặc biệt là hoa kim cúc, cúc chi, cúc tiến vua rất dễ bán, không bị phân
loại nhiều, bởi đây là cây thuốc quý, có nhiều công dụng như chữa bệnh, an
thần, dưỡng tâm hiệu quả, làm thực phẩm chức năng.
Kể từ cuối năm 2020, HTX đã chủ động nhân rộng mô hình
gieo trồng cây cúc thảo dược với diện tích hơn 1,5 ha, nghiên cứu cách để nhân
giống hoa và chú trọng xây dựng sản phẩm hoa kim cúc, cúc chi trở thành sản
phẩm chủ lực trong chuỗi sản phẩm của HTX.
Không chỉ thành công với các loại cây trồng mới như cúc
dược liệu, hành sâm, các loại cây trồng truyền thống cũng đang mang lại giá trị
cao cho thành viên và hộ liên kết của HTX Hoàng Sơn.
Giám đốc Hoàng Thị Lệ Diễm cho hay với những thành công hiện tại, trong
thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành viên, hộ liên kết hoàn
thiện quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của cả cây trồng mới
và cũ.
Thêm động lực, tạo đột phá
Bên cạnh HTX Hoàng Sơn, trên địa bàn xã Ninh Tiến hiện có
3 HTX khác đang hoạt động khá hiệu quả, gồm HTX Tiên Tiến, HTX Thành Công và
HTX Phúc Sơn. Các HTX đều gắn với mô hình lúa-cá, hoa dược liệu gắn với phát
triển du lịch, mô hình trồng cây lưu niên như bưởi, ổi, các loại rau theo mùa
vụ và cây củ như khoai tây Thái Lan...
Cần thêm các nguồn lực
hỗ trợ để các HTX phát huy vai trò dẫn dắt sản xuất với nông dân.
Theo đại diện UBND xã Ninh Tiến, hiện quỹ đất nông nghiệp
xã còn 240 ha, trong đó có 12 ha là đất màu. Với diện tích đất màu không nhiều,
xã chỉ đạo các HTX tăng hiệu quả, năng suất trên diện tích canh tác, triển khai
trồng rau, khoai, đậu, hoa cúc chi làm dược liệu và phục vụ du lịch...
Đối với những diện tích cấy lúa vẫn cho hiệu quả cao, xã
chỉ đạo các HTX đưa các giống lúa có chất lượng gạo ngon, năng suất cao vào sản
xuất. Còn những diện tích trũng, sâu, cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang thả cá
(HTX Hoàng Sơn có 18 ha, HTX Tiên Tiến có 13 ha, HTX Phúc Sơn có 7 ha). Hiện đã
có trên 30 hộ chuyển đổi sang mô hình thả cá trên ruộng trũng, sâu, giá trị
tăng gấp 2-3 lần cấy lúa.
Đồng thời, xã đang thí điểm trồng 2 ha khoai tây giống
Thái Lan trên diện tích ruộng trũng của HTX Hoàng Sơn. Việc thí điểm các giống
cây mới nhằm tìm hướng đi hiệu quả cho những vùng đất trũng, tăng thu nhập cho
nông dân. Xã cũng tích cực hỗ trợ, chỉ đạo nông dân tích cực ứng dụng khoa học
– kỹ thuật vào sản xuất, theo hướng nông nghiệp sạch, tạo chất lượng đầu ra ổn
định, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Kết quả thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế
của xã Ninh Tiến hiện đều đang phát triển ổn định, cho thu nhập từ vài chục triệu
đồng đến vài trăm triệu đồng/năm. Ngoài làm nông nghiệp, sau thời vụ, nhiều
người dân còn làm thêm tại các nhà hàng, làm các loại dịch vụ. Bình quân thu
nhập đầu người đạt 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian tới, xã tiếp tục phát huy các thế mạnh về
điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ, từ đó thúc đẩy các hộ nông dân tiếp
tục mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp cho năng suất, hiệu quả
cao, nâng cao thu nhập, phát huy cao nhất giá trị đất nông nghiệp tại địa bàn.
Nguồn: vnbusiness.vn