image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
‘Nữ thuyền trưởng’ giúp thành viên HTX giàu lên từ rau củ quả sạch

Rời bục giảng để lăn lộn với thương trường, người phụ nữ trẻ tài năng Lý Thị Hà từng bước khởi nghiệp từ chiếc xe thồ, trở thành người dẫn dắt tài tình đưa HTX Rau củ quả Văn Giang vững bước. Không những thế, chị còn giúp bao tiêu sản phẩm cho nhiều HTX, nhiều nông dân ở một số tỉnh thành, trở thành nữ “kiện tướng” kinh doanh nông sản với lượng tiêu thụ 60 tấn quả, 15 tấn rau, củ mỗi tháng, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm cho HTX.

Một buổi sáng trung tuần tháng 8, phóng viên VnBusineess đến thăm khu vực sản xuất của HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang (thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Trong căn lán tạm của một nhà vườn trồng ổi, một người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt sắc sảo, thần thái toát lên vẻ nhanh nhẹn, luôn tay thoăn thoắt phân loại ổi, chia từng bao tải để đưa lên xe vận chuyển tới từng khách hàng. Đó chính là chị Lý Thị Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX.

Giàu lên nhờ tham gia HTX

Chị Hà hồ hởi nói: “Sáng nào, mình cũng ở vườn, lo việc thu gom, phân phối sản phẩm cho các thành viên, kịp mang hàng cho tươi ngon”.

anh tin bai

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Lý Thị Hà giúp thành viên HTX phân loại, đóng gói ổi để kịp giao đến khách hàng.

Năm 2017, HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang chính thức đi vào hoạt động, đến nay có 24 thành viên tham gia, diện tích canh tác khoảng trên 48 ha chuyên trồng ổi (giống ổi lê Đài Loan), cam (giống Vinh, đường Canh).

Những năm qua, HTX đã mang đến người tiêu dùng những sản phẩm rau, củ, quả an toàn, chất lượng. Đặc biệt, sản phẩm ổi, cam là một trong những loại quả tạo nên thương hiệu cho HTX, được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường bình quân 1-2 tấn quả, trên 5 tạ rau, củ.

Vừa nhặt hàng, vừa nhận thêm đơn của khách đặt, chị Hà hối hả điều phối hoạt động của HTX, không chút mệt mỏi. Sau khi sản phẩm đã chất lên xe, chị dẫn chúng tôi đi tham quan một vài nhà vườn của các thành viên. Dọc theo trục đường chính đổ bê tông, hai bên là những vườn cây xanh mướt lúc lỉu những trái cam, ổi.

Tại một vườn cam bạt ngàn quả xanh, mỗi quả tương đương một nắm tay, anh Đỗ Văn Hiệp - thành viên HTX đang phun thuốc bảo vệ thực vật. Chia sẻ với phóng viên VnBusineess, anh Hiệp cho biết tham gia HTX ngay từ những ngày đầu thành lập. “Trước kia nhà tôi nghèo lắm, trồng cam chưa có kinh nghiệm, năng suất kém, cam bán ra giá rẻ mạt, chi phí sản xuất nhiều, lãi lời không được bao nhiêu. Mỗi vụ cam, thương lái vào vườn cắt trả có 10 - 15 ngàn mỗi cân. Thời điểm 10 năm trước, gia đình quanh năm ăn đong, làm lụng vất vả mà đời sống vẫn chật vật. Nhưng từ khi vào HTX, được phổ biến kỹ thuật chăm sóc cây, được hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, cuộc sống đã khác hẳn, không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để”, anh Hiệp vui vẻ kể.

anh tin bai

Thành viên HTX tự tin sản xuất sạch, sản phẩm đã có HTX đảm bảo đầu ra, không lo "được mùa mất giá".

Nhờ HTX bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra, với diện tích canh tác 1 mẫu cam, 8 sào ổi, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hiệp thu lãi khoảng 200-250 triệu đồng/năm.

Không chỉ có hộ anh Hiệp, mà nhiều gia đình khác cũng khấm khá từ khi trở thành thành viên HTX. Điển hình là gia đình ông Đinh Tiến Hạnh - một trong những thành viên có kỹ thuật chăm bón tốt, chất lượng quả của vườn nhà ông gần như ngon nhất HTX.

Ông Hạnh cho hay, với vườn cam rộng 1,5 ha mỗi năm cho thu 40-50 tấn, 1 ha ổi khoảng 18-20 tấn. Trước khi vào HTX, mỗi mùa vụ, thương lái vào vườn mua rẻ chỉ 10 - đến 13 ngàn đồng/kg cam, 7 - 10 ngàn/kg ổi, cả năm chỉ cho lãi 70-90 triệu đồng.

“Nhiều khi vào vụ, chi tiêu sinh hoạt hết, chẳng còn tiền, lại chạy vạy vay mượn để mua phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư sản xuất. Nhưng từ khi vào HTX, vật tư đầu vào được trợ giá, chúng tôi được mua rẻ hơn so với thị trường từ 20-30% giá bán. Thiếu tiền đầu tư, HTX cho vay lãi suất rất thấp. Khi thu hoạch, chúng tôi yên tâm vì có HTX bao tiêu hết loạt sản phẩm với giá cao hơn thị trường có khi tới 2.000 đồng/kg cam, 1.000 đồng/kg ổi. Bán cho HTX, trừ đi chi phí, mỗi năm nhà tôi thu khoảng 270-300 triệu đồng, cuộc sống sinh hoạt nhờ đó dễ chịu hơn trước”, ông Hạnh chia sẻ.

Tất cả các thành viên HTX đều yên tâm sản xuất, bởi người đứng đầu HTX là nữ giám đốc tuổi trẻ, tài cao, luôn quan tâm hỗ trợ các thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thương hiệu, từ đó nâng cao thu nhập cho mỗi thành viên.

Theo lời kể của các thành viên, chị Hà là Giám đốc nhưng chịu khó không khác nào nông dân, chị xuống vườn cùng bà con, tận tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hái, phân loại quả đem tiêu thụ cho bà con. “Nắng mưa, sương gió chẳng việc gì khiến chị ngại ngần, người nhỏ nhắn mà bưng bê xốc vác chẳng kém thanh niên”, một thành viên nói.

Khởi nghiệp từ chiếc xe thồ đến “kiện tướng” bán buôn trong “làng nông sản”

Được biết, người phụ nữ đứng đầu HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang xuất phát điểm là một cô giáo, đã từng có 4 năm đứng trên bục giảng nắn từng nét chữ cho các em nhỏ lứa tuổi chập chững đến trường. Tuy nhiên, trước những áp lực kinh tế, chị Hà buộc phải xa rời mái trường để bắt đầu khởi nghiệp trên con đường thoát nghèo cho bản thân và cho hàng chục hộ gia đình sau này.

anh tin bai

Chị Hà lăn lộn xuống ruộng với dân, thu hái phân loại, nâng niu từng thứ rau, củ quả đem tiêu thụ cho dân...

Trải lòng về thời điểm đầu làm kinh tế, chị Hà kể, xác định “phi thương bất phú”, chị đi buôn với chút vốn liếng ít ỏi, kinh nghiệm chưa có, đi khắp nơi nhập hàng, thử buôn đủ loại hàng từ quần áo, đồ gia dụng, giày dép… nhưng chẳng có mặt hàng nào thành công.

Nhiều lúc chán nản muốn bỏ cuộc, sau chị quay về quê hương, ngẫm quê mình nhiều mặt hàng nông sản, sao mình không tiêu thụ cho bà con nông dân?. “Nghĩ sao làm vậy, tôi vào các vườn thu mua khi thì rau, lúc lại củ quả, lượm nhặt mỗi thứ một chút mang ra chợ bán. Lãi không được bao nhiêu, mà nhiều lúc tôi còn bán lỗ, vì bán lẻ người ta tính từng cân từng lạng mà tôi bán kiểu 1, 2 cân tính 1 cân, chỗ lẻ thì khuyến mãi! Bán hàng xởi lởi nên rất đông khách mua, nhưng xởi lởi quá sinh lỗ!”, chị Hà nhớ lại những ngày tháng long đong.

Rồi chị “vắt tay lên trán” nghĩ, khách đông chứng tỏ mình có duyên buôn bán. Giờ làm thế nào có lãi, một ý nghĩ lóe lên, bán sản phẩm thường giá rẻ không được là bao nên chị quyết định chuyển sang bán hàng chất lượng. Và thế là chị đi tìm những vườn trồng rau quả ngon, sạch thu gom bán ra thị trường hướng tới khách hàng thu nhập khá.

Dấu mốc tạo nên bước phát triển đột phá của chị Hà là cuối năm 2015, đầu năm 2016, tại Ecopark đã diễn ra một hội chợ triển lãm hàng nông sản, thực phẩm. Nhận thấy cơ hội chào hàng, chị điều khiển xe thồ, hai bên sọt đựng hàng trăm túi quà, mang ra đứng ở cổng hội chợ tặng cho khách đến thăm quan. Trong mỗi túi quà có vài quả ổi, cam và một tấm card visit mang tên “Nhà vườn Thu Hà”.

Hai ngày hội chợ diễn ra, chị đứng đủ 2 ngày tặng quà, tổng hết gần 400 túi quà, chi tới 5 triệu đồng với hy vọng khách ăn thấy ngon sẽ hồi âm, đặt mua sản phẩm.

Ngày đầu tiên, khoảng chục người hồi đáp, ngày thứ hai may mắn gặp một chị tên là Uyên rất hiểu biết về kinh doanh - người sau này đã gợi ý cho chị Hà thành lập HTX.

“Thấy con bé đen nhẻm, gầy gò, thồ chiếc xe đầy ắp hàng, chị Uyên sau khi được tặng hàng, mua ủng hộ tôi 10 cân cam, ổi. Sau đó, do thấy ngon, buổi chiều chị quay lại mua thêm 25 cân để làm quà biếu. Và chị đã trở thành khách quen của tôi từ đó đến nay. Hai buổi hội chợ đó cũng đã mang lại cho tôi gần 30 khách hàng “ruột” đến từ Hải Phòng,Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội… Lượng khách bán cho các mối ruột này hàng năm lên tới hàng tấn. Nhiều khách hàng quen mua của tôi 5-7 năm nay, giờ chỉ quen tên, bán mua qua cuộc điện thoại chứ chưa biết mặt”, chị Hà kể.

Chị Hà chia sẻ, rất biết ơn chị Uyên - người đã gợi ý về việc nên kinh doanh ở quy mô lớn: “Chị Uyên từng bảo với tôi rằng sao có hàng chất lượng mà không thành lập công ty để tạo thương hiệu cho mình? Tôi hỏi muốn làm thương hiệu phải làm gì thì chị nói phải thành lập công ty. Gợi ý đó một lần nữa khiến tôi trăn trở, và một năm sau, khi quyết tâm thành lập công ty cũng là lúc chính quyền huyện Văn Giang chủ trương khuyến khích thành lập HTX. Tìm hiểu Luật HTX, nguyên lý hoạt động, thấy được tính nhân văn của HTX trong việc hỗ trợ các thành viên, tôi quyết định đứng ra kêu gọi thành lập HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang”.

Trải bao khó khăn, giờ HTX có vị thế tương đối vững chắc. Không những bao tiêu đầu ra sản phẩm của các thành viên, chị Hà còn liên kết, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho một số HTX, hộ nông dân ở một số tỉnh, thành thông qua việc đảm nhiệm cung cấp 10 ngàn suất ăn mỗi ngày cho các bếp ăn tập thể. Lượng nông sản xuất bán của HTX và kênh liên kết tiêu thụ nhờ một tay chị Hà đưa ra thị trường bình quân khoảng 60 tấn quả, 15 tấn rau củ mỗi tháng. Sản phẩm rau củ quả của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh… đã và đang chiếm được lòng tin, sự yêu thích của người tiêu dùng. Nhiều người đã gọi chị là “kiện tướng” bán buôn trong “làng nông sản”.

Năm 2021, giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, mọi hoạt động giao thương, đi lại của người dân bị thắt chặt gây áp lực không nhỏ trong việc tiêu thụ hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng. Khắc phục khó khăn, chị Hà đã cùng Hội đồng quản trị HTX đẩy mạnh tiêu thụ thông qua các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, trang Facebook, Zalo… Nhờ vậy, hàng hóa của HTX được tiêu thụ tốt. Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ nông dân ở tỉnh Bình Thuận tiêu thụ trên 40 tấn thanh long, trên 30 tấn dưa hấu cho Bắc Giang, trên 30 tấn nhãn của huyện Khoái Châu…

Bình quân doanh thu của HTX đạt gần 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Không vì mối lợi mà làm mất chữ tín

Để người phụ nữ sắc vóc nhỏ nhắn làm được những điều lớn lao, tiêu thụ lượng hàng khủng mỗi tháng, một trong những tiêu chí để sản xuất kinh doanh thành công như ngày hôm nay được chị Hà hết sức chú trọng đó chính là “chữ tín”.

anh tin bai

Niềm vui của người trồng ổi trước kỳ vọng mùa thu hoạch thắng lợi.

Chị chia sẻ, đã có đơn vị muốn ký hợp đồng mua bán với HTX lượng hàng tiêu thụ mỗi ngày 1 tạ nông sản nhưng thực tế lại cam kết với khách hàng rằng lượng hàng lấy từ HTX là 1 tấn. Dấu hỏi đặt ra là 9 tạ hàng kia, họ lấy nguồn gốc từ đâu? Dù đơn vị này trả giá rất cao cho 1 tạ sản phẩm để lấy thương hiệu của HTX nhưng chị Hà vẫn thẳng thắn từ chối.

Theo quan điểm của chị Hà: “Tên mặt hàng gắn với HTX, cũng chính là gắn với thương hiệu của tôi. Tôi không thể vì mối lợi nhỏ trước mắt đồng ý cho họ làm ăn nhập nhèm mất hết uy tín của mình, của HTX”.

Có thể nói, những thành công của HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang có được ngày hôm nay phần lớn đến từ những hỗ trợ của các ban ngành liên quan của huyện Văn Giang từ các cơ chế chính sách, thông thoáng, giúp HTX kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho HTX nói riêng và kinh tế tập thể nói chung có những bước tiến phát triển. Đặc biệt trong năm qua, Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ cho các thành viên của HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với mức lãi suất thấp để các thành viên yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Về phía HTX, thành công trong sản xuất kinh doanh của HTX thời gian qua có sự nỗ lực không nhỏ của Hội đồng quản trị cũng như các thành viên, tất cả đều làm tốt vai trò của mình, tạo sự gắn kết bền vững giữa HTX và thành viên thấy rõ vai trò “bà đỡ”, tính nhân văn, sự gắn kết, tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên và Hội đồng quản trị.

anh tin bai

Mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường bình quân 1-2 tấn quả, trên 5 tạ rau, củ

Chị Hà chia sẻ, thời gian tới, HTX chú trọng phát triển sản phẩm chất lượng cao hướng tới sản xuất an toàn hơn, tạo chất lượng nông sản ngày càng ngon, sạch, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường ngày càng thông minh. “Muốn làm được điều này, quan trọng là tất cả các thành viên, Hội đồng quản trị phải hết sức đồng lòng trong việc tạo ra một quy trình sản xuất, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm. Ban quản trị phải làm việc một cách nỗ lực, sáng tạo, nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường từ đó đưa ra định hướng phát triển đúng đắn”, chị giãi bày.

Rời vườn cam, chúng tôi tin vài năm sau trở lại nơi đây, sắc xanh của ổi, sắc vàng của cam sẽ ngập tràn đất Văn Giang bởi người phụ nữ lăn lộn xuống ruộng với dân, thu hái phân loại, nâng niu từng thứ rau, củ quả đem tiêu thụ cho dân, cùng những trăn trở sao cho bán giá có lợi nhất, giải quyết những đau đáu về sự vất vả một nắng hai sương của những bà con trên mảnh đất quê hương mình sẽ tạo nên những bước tiến nhảy vọt cho HTX. Cũng chính từ đó, thức quà thơm ngon, dịu ngọt của quê hương Văn Giang sẽ vươn xa đến khắp mọi miền đất nước.

Nguồn: vnbusiness.vn

Bản quyền Liên minh hợp tác xã tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 119 – Đường Lê Hồng Phong – Phường Nguyễn Du, Thành phố Nam Định
Điện thoại: 0228.3849058       Fax: 0228.3849058
Email:  lienminhnamdinh@gmail.com
Website:http://lienminhhtx.namdinh.gov.vn/