image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Người phụ nữ gìn giữ ‘hồn cốt’ của quê hương

Do ảnh hưởng của “lụa ngoại”, nghề tơ lụa làng Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định) thịnh vượng một thời lâm vào cảnh “ba chìm bảy nổi”. Đau đáu với nỗi lo làng nghề dần mai một, người con gái làng Cổ Chất Phạm Thị Minh Hải (sinh năm 1986) đã không quản ngại khó khăn, quyết tâm giữ lửa nghề truyền thống.

Dạo bước từ cây cầu Vô Tình (thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh) khoảng 500m đã dần cảm nhận được âm thanh lao động của làng nghề. Đó là tiếng thoi đưa rộn rã, tiếng lạch cạch của những guồng quay tơ…

Một thời thịnh vượng

Ngay tại cổng làng Cổ Chất, đón tôi là một phụ nữ nhỏ bé, dáng vẻ nhanh nhẹn. Trên đường tham quan làng lụa, chị Minh Hải - Giám đốc HTX lụa Cổ Chất (thôn Cổ Chất 1, xã Phương Định, huyện Trực Ninh) hào hứng kể chuyện.

anh tin bai

Nghề ươm tơ dệt lụa gắn liền với người dân làng Cổ Chất từ bao đời nay.

Từ thời nhà Trần, làng lụa Cổ Chất đã được biết đến với nghề chăm tằm ươm tơ, cung cấp nguyên liệu cho các làng dệt Cự Trữ, Nhự Nương và các vùng lân cận.

Nghề ươm tơ của làng phát triển mạnh nhất từ sau khi thực dân Pháp thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (năm 1897), Cổ Chất nói riêng và Trực Ninh nói chung lúc đó trở thành vùng vành đai nguyên liệu cung cấp cho Công ty Bông Vải Sợi Bắc Kỳ.

Tơ tằm Cổ Chất khi đó nổi tiếng đến mức giới tư bản Pháp đã cho xây dựng một nhà máy ươm tơ ngay ở làng Cổ Chất nhằm mục đích khai thác kỹ năng lao động của những người dân bản địa cũng như tiềm năng của vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh.

Đó cũng là thời kỳ “hoàng kim” của tơ tằm Cổ Chất. Thương nhân, buôn lái trên tàu thuyền ở khắp các nơi nườm nượp đổ về Cổ Chất để thu mua tơ đem bán ở bến Đò Chè - một khu cảng sầm uất, nhộn nhịp của Nam Định thời kỳ trước năm 1945.

"Từ bé đã thắc mắc sao nhiều người vác máy ảnh tới làng mình lang thang thế nhỉ? Rồi người nước ngoài thấy cái gì hay ở làng mình mà họ đi xa như thế để về thăm cái làng bé tẹo vậy?... Lúc hiểu ra thì tất cả chỉ còn trong ký ức. Giờ chỉ mong gặp lại họ để xin ít tư liệu quý giá ấy. Nhớ lắm...", chị Hải nhớ lại.

Cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề tơ lụa làng Cổ Chất cũng không tránh khỏi tình trạng bị mai một khi mà “lụa ngoại” du nhập tràn lan với giá thành rẻ hơn, màu sắc cũng như sản phẩm đa dạng đe doạ tới sự “sinh tồn” của tơ truyền thống. Hơn nữa, thế hệ con cháu không mặn mà trong việc nối nghiệp cha ông để lại.

“Hầu hết giới trẻ trong làng không muốn theo nghề của cha mẹ bởi công việc sản xuất thủ công vất vả mà thu nhập không cao. Trước đây, tất cả các hộ trong làng đều làm nghề ươm tơ, nhưng hiện nay cả làng chỉ còn gần 30 hộ còn giữ được nghề của cha ông”, chị Hải bùi ngùi.

Mang sức trẻ vào làng nghề truyền thống

Với chị Hải, “con tằm, lá dâu” cùng tiếng khung cửi lách cách đã in sâu vào trong tâm trí chị từ những ngày thơ bé. Chính vì lẽ đó đã khiến chị đau đáu một nỗi niềm mong mỏi "sợi tơ được nối dài cho những thế hệ mai sau".

anh tin bai

Chị Hải luôn đau đáu một nỗi niềm mong mỏi "sợi tơ được nối dài cho những thế hệ mai sau".

Nhớ tới lời dạy của các thế hệ đi trước, “một lá dâu là xâu tiền”, “con tằm ăn lá nhả vàng”, nếu biết giữ gìn nó sẽ cho mình sợi tơ vàng. Sợi tơ vàng sẽ giúp cho người quay tơ, người dệt cửi, tạo ra rất nhiều công việc cho người lao động địa phương, chị đã mạnh dạn xây dựng một hướng đi mới cho người dân làng Cổ Chất.

“Nhận thức xu hướng xanh ngày càng rõ nét, trong đó chất liệu lụa tự nhiên sẽ ngày càng phổ biến trong thời trang và được sự ủng hộ. Cùng với đó, được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Liên minh HTX Việt Nam, tháng 11/2021, tôi đã quyết định thành lập HTX lụa Cổ Chất. HTX là nơi quy tụ những nghệ nhân lành nghề từ 11 hộ gia đình còn gìn giữ được kỹ thuật ươm tơ cổ truyền”, chị Hải chia sẻ.

Với định hướng tạo nên các sản phẩm lụa cao cấp để chinh phục người yêu lụa tại Việt Nam và từng bước chinh phục người yêu lụa trên toàn thế giới, chị Hải đã cùng với những người thợ tâm huyết nghiên cứu thị trường, tìm tòi, ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với kỹ thuật truyền thống cho ra đời các sản phẩm lụa cao cấp, đồng thời cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, thương hiệu Lụa Cổ Chất (Chất Silk) đã được chị đề xướng và quảng bá rộng rãi với mục tiêu bảo tồn phương thức sản xuất xưa và đề cao kỹ thuật ươm tơ đã được truyền dạy qua 16 đời của các nghệ nhân làng tơ Cổ Chất.

Đáng mừng, sản phẩm vải tơ tằm thủ công truyền thống Chất Silk của HTX Lụa Cổ Chất đã đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao, chắp cánh cho thương hiệu tơ lụa Cổ Chất ngày càng được nhiều người biết tới.

“Điều này rất ý nghĩa bởi nó giúp bản thân tôi nói riêng cũng như những người dân Cổ Chất nói chung có thêm động lực để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đáng tự hào này”, chị Hải phấn khởi.

“Chắp cánh” cho thương hiệu bay xa hơn

Để góp phần gìn giữ và phát triển nghề tơ lụa truyền thống, một số thành viên HTX hiện đã chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn se tơ, dệt lụa, cho năng suất và thu nhập cao hơn.

Nhưng dù làm theo phương pháp thủ công hay đầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại để sản xuất, với sự cần cù, đôi tay khéo léo của các nghệ nhân đều tạo ra sản phẩm chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh nhưng rất bền đẹp, màu sắc tươi sáng.

Gần đây, làng nghề Cổ Chất còn là điểm thăm quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước. Những ngày cuối năm, về thăm ngôi làng cổ xinh đẹp này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh vừa nhộn nhịp, hối hả, vừa yên bình, thơ mộng. Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Những sợi tơ len lỏi chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít.

Ấn tượng nhất là hình ảnh những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Tại đây, du khách sẽ được tận tay sờ vào những sợi tơ để cảm nhận và tận mắt ngắm nhìn những người thợ thủ công đang dệt lụa trên những khung cửi gỗ thô sơ có tuổi thọ hàng trăm năm.

Cùng với đó, du khách có thể ghé qua tiệm lụa Chất Silk của HTX Lụa Cổ Chất để tìm cho mình những sản phẩm lụa cao cấp, nguồn gốc rõ ràng, có tính thẩm mỹ cao nhưng cũng thật gần gũi và xinh xắn trong từng món đồ bình dân và quen thuộc như: sản phẩm tơ tằm làm đẹp và dùng trong nhà tắm, phụ kiện từ tơ tằm, sản phẩm dùng cho phòng ngủ, chất liệu may mặc, thiết kế thời trang...

“Thật và chất là cảm nhận đầu tiên khi cầm trên tay các sản phẩm vải và vải nái Cổ Chất. Khi đã gắn bó và sử dụng lâu dài, sản phẩm còn mang lại trải nghiệm khác biệt, đó là cảm giác hoà mình với thiên nhiên, nhẹ nhàng, thuần khiết và đặc biệt là cảm giác xưa cũ rất riêng. Hầu hết các sản phẩm vải tơ tằm của Chất Silk chỉ có thể sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống”, chị Hải chia sẻ.

anh tin bai

Thật và chất là cảm nhận đầu tiên khi cầm trên tay các sản phẩm vải và vải nái Cổ Chất.

HTX cũng đã chủ động tiếp cận đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử giúp mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho người lao động và các nghệ nhận sáng tạo, khẳng định chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu làng nghề truyền thống “bay xa” hơn. Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và ưa chuộng, đánh giá cao 5 sao (chân thành, chu đáo, tin cậy).

Chia sẻ về định hướng sắp tới, chị Hải cho biết HTX sẽ cố gắng nghiên cứu sâu rộng hơn để có thể đưa chất liệu tơ tằm tự nhiên ứng dụng vào mọi khía cạnh, nhằm mang lại chất lượng sống tốt nhất. Bên cạnh đó, HTX phát triển các sản phẩm quà tặng tơ tằm truyền thống cho khách hàng nước ngoài khi tới Việt Nam và của người Việt Nam khi đi ra nước ngoài. Đặc biệt, việc phát triển trên các kênh bán hàng quốc tế là mục tiêu quan trọng của HTX.

“Lụa Cổ Chất (Chất Silk) sẽ trở thành thương hiệu lụa truyền thống có tính biểu trưng của Việt Nam và là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế có tiếng trong và ngoài nước. Nhờ tính ứng dụng cao, lụa Cổ Chất sẽ thay thế dần hầu hết các chất liệu khác, thay đổi thói quen tiêu dùng (đặc biệt trong ngành thời trang) và tạo nên giá trị sống xanh bền vững.

Hơn nữa, làng tơ Cổ Chất sẽ được biết tới không chỉ với sản phẩm lụa cao cấp mà còn trở thành địa điểm tham quan lớn nhất dành cho những người yêu lụa và thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về phương thức sản xuất truyền thống xưa”, chị Hải thông tin.

Để có thể thực hiện được những mục tiêu này, bên cạnh những nỗ lực từ chính các thành viên HTX, chị Hải cũng như người dân làng Cổ Chất mong muốn các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, có các giải pháp hỗ trợ thiết thực và cụ thể như tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng sản xuất-kinh doanh; hỗ trợ đầu tư cải tiến công nghệ; liên kết, hợp tác tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề. Từ đó có thể tìm lại vị trí xứng đáng cho lụa thủ công truyền thống vốn chứa đựng giá trị lịch sử và văn hoá lớn lao.

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

anh tin bai

 

anh tin bai

Tháng 7/2023, chất vải lụa thủ công organza - một sản phẩm của HTX Cổ Chất đã góp mặt trong một số mẫu thiết kế từ Bộ sưu tập Green Phoenix, thực hiện bởi NTK Vũ Thu Phương, trình diễn trên sàn diễn thời trang hiện đại và hoa lệ của Vietnam International Fashion Week (AVIFW). Bộ sưu tập với ý tưởng sống xanh, ứng dụng các chất liệu vải tự nhiên như lụa, voan với màu sắc và chi tiết tinh tế, mang nét truyền thống pha lẫn hiện đại đem đến cảm giác sang trọng, nổi bật nhưng vẫn dễ ứng dụng.

Để truyền tải thông điệp “thời trang xanh mang hơi thở văn hoá và lịch sử", HTX Lụa Cổ Chất còn nỗ lực đưa khung dệt góp mặt trong chương trình. Đây là một trong 10 khung dệt cổ hiện còn tồn tại và đã gắn liền với hơn 16 đời nghệ nhân và chiều dài hơn 300 năm phát triển làng tơ Cổ Chất.

Nguồn: vnbusiness.vn

Bản quyền Liên minh hợp tác xã tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 119 – Đường Lê Hồng Phong – Phường Nguyễn Du, Thành phố Nam Định
Điện thoại: 0228.3849058       Fax: 0228.3849058
Email:  lienminhnamdinh@gmail.com
Website:http://lienminhhtx.namdinh.gov.vn/