image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nữ Giám đốc truyền lửa thoát nghèo cho bà con dân tộc thiểu số

Cách nghĩ, cách làm của của nữ “thuyền trưởng” Nguyễn Thị Bình đã góp phần đưa HTX nông nghiệp Bản Dao (phường Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) tiếp cận với hướng đi mới trong lao động sản xuất, giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số người Mường, Dao, Thái.

Ở cái tuổi được quyền nghỉ ngơi, bà Bình vẫn “ép” mình lăn lộn với thương trường, càng làm càng đam mê. Bà không làm cho bản thân, cho gia đình mà lo sinh kế cho gần 90 thành viên HTX trên địa bàn TP Hòa Bình.

anh tin bai

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao Nguyễn Thị Bình đam mê với HTX, làm nông nghiệp sạch.

Các tính năng của Zalo, Fabook, TikTok, email…, chẳng thứ gì lớp trẻ sử dụng thành thạo mà bà “chịu đầu hàng”. Luôn học hỏi, sáng tạo, cập nhật thông tin tri thức khiến bà trông trẻ hơn tới hàng chục tuổi so với thực tế.

Chính tư duy nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng công nghệ đã giúp vị Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc “gừng càng già càng cay” sau 18 năm dẫn dắt thành công HTX.

Giải cứu cây sả - cứu nguy cho thành viên

Bà Bình tham gia HTX với vai trò kế toán viên từ thời làm việc theo hiệu lệnh “gõ kẻng”, chấm công nhật, vắt qua thời kỳ đổi mới với mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX 2012.

anh tin bai

HTX Bản Dao tham gia nhiều hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Theo đó, năm 2015, bà đã áp dụng Luật HTX kiểu mới, hoạt động theo Luật 2012 vào HTX Nông nghiệp Bản Dao. Tuy vậy, với bản tính thận trọng, tỷ mỉ của một người từng làm kế toán, bà bỏ ra 2 năm chỉ để nghiên cứu thị trường, mày mò phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, sẵn sàng tâm thế trở thành người dẫn dắt HTX sao cho xứng đáng.

Thời điểm này cũng là lúc TP Hòa Bình đang có phong trào trồng sả. Diện tích sả trên địa bàn khoảng 200 ha, và xã Thống Nhất là địa phương phát triển khá mạnh. Hưởng ứng phong trào, các thành viên trong HTX nô nức rủ nhau cùng trồng. Mỗi cân sả có giá bán 12.000 - 14.000 đồng/kg, những tưởng mức giá này sẽ mang lại sự giàu có bền lâu cho mọi nhà.

Tuy nhiên, cung cầu thị trường luôn có quy luật khách quan, cái giá sả cao ngất ngưởng đó chỉ kéo dài được vài ba năm. Năm 2017- 2018, giá sả tụt dốc không phanh chỉ còn 2.000 đồng/kg, mà có lúc chẳng ai ngó ngàng thu mua.

Như bao người trồng sả khác tại thành phố, các thành viên HTX Bản Dao hoàn toàn “sốc” tâm lý, mất niềm tin vào thị trường, không ít người “thối chí”, muốn bỏ cuộc.

Trước những áp lực lớn, bà Bình cùng Ban quản trị HTX phải loay hoay tính phương án giải quyết bài toán làm sao tiêu thụ hết hàng ngàn tấn sả/vụ cho bà con?

Sau bao đêm trăn trở, thao thức vắt óc suy nghĩ, bà đi thực tế nhiều nơi tìm hiểu mô hình kinh tế phát triển cây sả tại nhiều địa phương, tìm hiểu phương thức vận hành.

Cuối cùng, bà cũng tìm ra lối thoát cho HTX: Để thu gom tiêu thụ hết cây sả cho thành viên, chỉ còn một cách duy nhất đó là tìm cách bảo quản hàng hóa rồi tiêu thụ bằng mọi hình thức, biến mặt hàng tươi thành hàng qua chế biến để được lâu dài với công dụng đa năng

Theo đó, bà đến thị trấn Xuân Mai (Hà Nội), huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình) tìm hiểu hệ thống dây chuyền chuyên chiết xuất tinh dầu sả.

Tính toán, lựa chọn, bà quyết định đem nguyên liệu của HTX đi thuê cơ sở chiết xuất tinh dầu. Trừ chi phí vận chuyển, chi phí thuê chiết xuất, lợi nhuận còn lại rất thấp nhưng lại giải quyết hết hàng tồn đọng cho các thành viên, nên bà chấp nhận giải pháp trước mắt này.

Cân gom xe hàng sả đầu tiên, thành viên ai nấy vui phát khóc bởi đã “bán hết hàng” và mừng là HTX đã kịp thời “ló ra” phương án giải quyết đầu ra hay.

Trong hơn một năm trời, bà Bình luôn áp tải xe chở sả đến cơ sở chiết xuất. Rồi, bà chia sẻ với Chủ tịch Hội phụ nữ: “Cứ mãi thế này sẽ không ổn”.

Vậy là bà thiết kế ý tưởng cũng là phương pháp giải cứu: trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường.

Ý tưởng này sau đó đã đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, được nhận thưởng 150 triệu đồng từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trực tiếp được Hội phụ nữ các cấp tỉnh Hòa Bình chỉ đạo triển khai.

Từ thành công đó, năm 2019-2020, bà bắt tay xây xưởng chiết xuất tinh dầu sả của chính HTX, đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây sả, in nhãn, làm bao bì sản phẩm…

Các thương lái thấy HTX Bản Dao có dây chuyền chưng cất tinh dầu, ngay lập tức tăng giá thu mua nguyên liệu thô, theo đó giá sả của các thành viên cũng được nâng lên.

Năm 2020, Ban quản trị HTX cùng các thành viên hoạt động hết công suất. Sản phẩm tinh dầu xả của HTX đạt giải “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”.  

Năm 2021, HTX Bản Dao tiếp tục sản xuất tinh dầu sả, đầu tư thêm dây chuyền, sản xuất mạnh hơn, cho ra đời sản phẩm tinh túy hơn. Chính vì vậy, sản phẩm tinh dầu sả của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Trên đà phát triển, năm 2022, sản phẩm tinh dầu sả của HTX Bản Dao được tỉnh Hòa Bình đem đi dự thi “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh phía Bắc”.

Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục xem xét, đánh giá nâng sao cho sản phẩm tinh dầu lên OCOP 4 sao. Nếu mọi việc thuận lợi, tinh dầu sả được cấp chứng nhận OCOP 4 sao sẽ là điều kiện cần để HTX có cơ hội xuất khẩu không những tinh dầu sả mà cả củ sả đi khắp các thị trường thế giới.

Bình quân mỗi ngày, HTX đưa vào 1,5 - 1,6 tấn sả nguyên liệu và chiết xuất, tương đương lượng tinh dầu sả chiết được khoảng 2,5 - 3 lít tinh dầu thành phẩm. Với giá bán từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/lít như hiện tại, mỗi tháng doanh thu đạt khoảng gần 200 triệu đồng.

Việc chiết xuất tinh dầu sả góp phần tận dụng hết những củ nhỏ không bán được, cùng vỏ, lá và rễ tận thu mua cho thành viên để nấu tinh dầu… Bã của sả sau khi chiết xuất được ủ thành phân hữu cơ, hoặc ủ rải chống mối mọt chăm cây, tái sản xuất hiệu quả. Việc tận dụng triệt để phế phẩm trong quá trình chiết tinh dầu đã giúp HTX tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi tháng.

Luôn chỉn chu trong công việc

Không chỉ chuyên sâu phát triển mảng tinh dầu sả, HTX Bản Dao còn tiêu thụ măng cho các thành viên. Bình quân mỗi năm, HTX với diện tích trên 12 ha đất đồi trồng măng để chống xói mòn, sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 350-400 tấn. Hiện tại, 1kg măng có giá bán khoảng 75.000-80.000 đồng. Bà con yên tâm sản xuất vì có HTX bao tiêu, thu nhập ổn định nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện.

anh tin bai

Mỗi ngày, HTX đưa vào 1,5 - 1,6 tấn sả nguyên liệu và chiết xuất, tương đương lượng tinh dầu sả chiết được khoảng 2,5 - 3 lít tinh dầu thành phẩm.

Các sản phẩm nông nghiệp làm ra từ bàn tay các thành viên HTX như: măng, rau, mật ong, tinh dầu… đều có tem truy xuất nguồn gốc, được phân phối đi các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và xa hơn như miền Nam… HTX cũng chủ trương tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số mặt hàng này hướng tới xuất khẩu.

Năm 2020, sản phẩm củ sả thô của HTX đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, khẳng định giá trị của cây sả trồng trên đất Hòa Bình. Mỗi cân sả xuất khẩu thời điểm đó được HTX bán với giá 12.000 đồng, cao hơn trong nội địa cũng như nấu tinh dầu 4.000 đồng/kg.

Dịch Covid-19 diễn ra, kinh tế khó khăn nên việc xuất khẩu củ sả hơi chững lại, bà Bình quyết định chuyên tâm vào chiết xuất tinh dầu và thị trường nội địa, chờ thời cơ tiếp tục xuất khẩu.

Một thành viên của HTX, cô Nguyễn Thị Núi cho biết: “Giám đốc của chúng tôi làm việc chỉn chu lắm, các chuyến giao hàng không chuyến nào thiếu giám đốc đi theo áp tải. Chị làm như vậy vừa kiểm soát hàng hóa, vừa tiện chăm sóc khách hàng. Tôi được đi với chị vài lần, thấy chị luôn khiêm tốn lắng nghe ý kiến đóng góp, những phản hồi của khách hàng kịp thời điều chỉnh hoạt động để hoàn thiện dịch vụ”.

“Đặc biệt, chị Bình rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt kịp thời điều chỉnh giá cả hợp lý với thị trường. Không những hoạt động điều hành tốt mảng thị trường, chị còn rất quan tâm đến người lao động, thường xuyên trực tiếp lao động cùng chị em ngoài đồng áng... Gắn bó với HTX, được làm việc với chị Bình, chúng tôi rất yên tâm sản xuất”, cô Núi hào hứng chia sẻ.

Bên cạnh việc tập trung hỗ trợ, động viên bà con nông dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh như sả, măng, phát triển đàn ong mật như hiện nay, HTX Bản Dao còn hỗ trợ bao tiêu nhiều sản phẩm mà các thành viên tăng gia sản xuất như rau các loại, mía tím, mía trắng, sắn, ngô...

Mặt hàng mía cũng từng được HTX xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc, mặc dù chỉ là qua đầu mối thương lái, nhưng cũng là một cánh cửa để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.

Với những nỗ lực của Giám đốc HTX, Ban quản trị và các thành viên, HTX đạt doanh thu bình quân 1,8 - 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm, thu nhập của các thành viên đạt 5-7 triệu đồng/tháng, giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên là người dân tộc thiểu số như: Dao, Mường, Thái...

Phương châm của bà Bình là: “Những sản vật của địa phương, bà con thành viên sản xuất gì, HTX bao tiêu hết với điều kiện sản phẩm thực sự chất lượng tốt, sản xuất đúng quy trình sạch, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sản phẩm có chất lượng vượt trội sẽ được HTX thu mua với giá cao”.

Thành công hay không là ở tư duy

“Để hỗ trợ thành viên làm được sản phẩm tốt, chúng tôi thường xuyên đón nhận hỗ trợ từ các sở ngành của tỉnh, thành phố mở những lớp tập huấn kỹ thuật chuyên môn cho bà con. HTX cũng động viên, khuyến khích bà con tiếp cận để vận dụng kiến thức vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó có thu nhập ổn định” bà Bình cho hay.

anh tin bai

Nữ "thuyền trưởng: Nguyễn Thị Bình: Dẫn dắt HTX thành công hay không không nằm ở vấn đề tuổi tác mà ở tư duy, cách nghĩ, cách làm.

Hàng năm, HTX đầu tư cung ứng vật liệu phục vụ cho sản xuất cho kịp mùa vụ như: đầu tư phân bón, cây, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, khi thu hoạch thì người vay mới phải hoàn lại vốn cho HTX.

Chính vì thế, các thành viên luôn gắn kết và yên tâm sản xuất. Cũng từ nguồn này, nhiều thành viên trước là hộ nghèo nay đã thoát nghèo, làm kinh tế tốt, đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Điển hình như hộ gia đình thành viên Triệu Thị Tâm, bị tàn tật do di chứng chất độc màu da cam từ bố truyền sang. Một nách nuôi 2 con thơ ăn học, hoàn cảnh gia đình chị vô cùng khó khăn. Sau khi vào HTX vài năm đã xây được nhà cấp 4, thu nhập bình quân mỗi tháng 6 triệu đồng, từ hộ thuộc diện nghèo, chị Tâm đã không ngừng nỗ lực vươn lên thoát nghèo thành công.

Cô Nguyễn Thị Núi chia sẻ: “Vào HTX hơn chục năm nay, gia đình tôi yên tâm sản xuất bởi trước mùa vụ, chúng tôi được HTX tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư các khoản chi cho sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn trồng để đạt chất lượng tươi ngon, năng suất tăng, tránh được mầm bệnh cho cây.

Khi thu hoạch, chúng cũng tôi yên tâm vì HTX trực tiếp thu mua, không còn lo sợ sự bấp bênh giá cả thị trường. Từ khi gắn bó với HTX, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà cấp 4, các tiện nghi sinh hoạt, có khoản tiền dự phòng trong nhà, cuộc sống có chất lượng hơn hẳn”.

Từng bước chắc chắn vào thương trường, HTX Nông nghiệp Bản Dao ngày càng khẳng định thương hiệu, đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm đặc trưng của mình nói riêng, quê hương Hòa Bình nói chung.

Bà Bình cho biết, HTX đang xây dựng mở rộng xưởng sản xuất, nâng cao năng suất chế biến tinh dầu sả. Đồng thời, HTX cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu thị trường định hướng hỗ trợ các thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt chứng nhận mã vùng trồng trong năm tới.

Đặc biệt, HTX tiếp tục liên kết với một số doanh nghiệp, làm các chuỗi bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp những mặt hàng nông sản có tiềm năng để đưa sản vật quý của Hòa Bình xuất khẩu vươn ra các thị trường trên thế giới.

Câu chuyện vị nữ giám đốc người Mường làm việc năng động, hăng say quên đi tuổi tác là minh chứng cho thấy cách dẫn dắt HTX thành công hay không không nằm ở vấn đề tuổi tác mà ở tư duy, cách nghĩ, cách làm.

Bà Bình đã góp phần đưa HTX Nông nghiệp Bản Dao tiếp cận với hướng đi mới trong lao động sản xuất, giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên người dân tộc thiểu số.

Nguồn: vnbusiness.vn

Bản quyền Liên minh hợp tác xã tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 119 – Đường Lê Hồng Phong – Phường Nguyễn Du, Thành phố Nam Định
Điện thoại: 0228.3849058       Fax: 0228.3849058
Email:  lienminhnamdinh@gmail.com
Website:http://lienminhhtx.namdinh.gov.vn/