Đã có những thời điểm người dân
lao đao vì chè, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến chè phải đóng cửa. Thế
nhưng giờ đây, vùng chè trọng điểm của Yên Bái đã hồi sinh mạnh mẽ. Dẫu diện
tích chè không nhiều, nhưng bằng những cách làm và hướng đi riêng của mình cây
chè ở Bảo Hưng đã thực sự trở thành loại cây trồng mang lại thu nhập cao.
Mỗi tháng thu nhập ổn định 10 triệu đồng
Là xã nằm ven thành phố Yên Bái
nhưng Bảo Hưng vốn là một xã thuần nông nên xác định chè vẫn là cây trồng chủ lực
trong phát triển kinh tế địa phương. Không phát triển theo phong trào, xã đã
xây dựng cả Nghị quyết chuyên đề về trồng, cải tạo, chế biến sản phẩm chè rất cụ
thể và giao tới các chi bộ, tổ, thôn, xóm để triển khai.
Nông dân thu hoạch chè Bát Tiên.
Hơn 10 năm đưa cây chè Bát Tiên
giống mới vào trồng với rất nhiều kỳ vọng, gia đình ông Vũ Ngọc Tề ở thôn Trực
Thanh giờ đây đang gặt hái thành quả lớn. Theo ông Tề, từ 2 sào chè Bát Tiên được
trồng đầu tiên, đến nay gia đình ông đã nhân rộng lên tới gần 1ha, mỗi năm
doanh thu trên 200 triệu đồng, cao hơn bất kỳ loại cây nông nghiệp nào đang được
trồng ở địa phương.
Đến xã Bảo Hưng, mọi người không
khỏi ngỡ ngàng bởi những nương chè Bát Tiên xanh ngút tầm mắt, trùng trùng điệp
điệp trải dài trên những sườn đồi. Toàn xã có trên 300 hộ dân sản xuất chè với
diện tích hơn 100ha, đều là chè giống mới và chủ yếu là chè bát tiên chất lượng
cao.
Tương tự, gia đình bà Ngô Thị Thu
ở thôn Ngòi Đong trồng 3.600 m2 chè bằng giống chè Bát Tiên, trong sản xuất áp
dụng nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất chè sạch. Gia đình tự thu hái, chế biến
thủ công tạo sản phẩm chè sạch bán nội tiêu, mỗi tháng cho thu nhập ổn định 10
triệu đồng.
Chị Vũ Thị Thanh ở thôn Trực
Thanh chia sẻ: "Trước đây, gia đình trồng bằng giống chè trung du sau chè
già cỗi, gia đình trồng thay thế 1,3 ha chè bằng giống LDP1 và chè Bát Tiên. Nhờ
được tập huấn kỹ thuật nên từ khâu trồng đến chăm sóc đảm bảo, vừa qua còn đầu
tư thêm hệ thống nước tưới, thu hái theo đúng phẩm cấp nên chè cho năng suất
khá cao, đạt 13 tấn/ha, giá bán hiện tại 12.000 - 15.000 đồng/kg. Bình quân mỗi
vụ chè cũng cho thu trên 160 triệu đồng, đấy là bán nguyên liệu tươi, nếu tự chế
biến chắc chắn thu nhập còn cao hơn gấp nhiều lần”.
Hợp tác xã giúp gia tăng giá trị
Trong những năm gần đây, hầu hết
sản phẩm chè búp tươi của Bảo Hưng được HTX và bà con trong xã tự chế biến chè
xanh nội tiêu và xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm chè xanh Bát
Tiên Bảo Hưng không chỉ đạt chuẩn OCOP 3 sao mà còn là thương hiệu không thể
thiếu đối với người nghiền chè trong và ngoài tỉnh.
Các HTX, tổ hợp tác được xem là "cánh tay nối dài" nâng cao
giá trị sản phẩm chè Bát Tiên.
Để bao tiêu sản phẩm cho bà con
trồng chè, xã Bảo Hưng đã thành lập được 9 tổ hợp tác và 1 HTX sản xuất, tiêu
thụ chè. Các tổ hợp tác và hợp tác xã đều lựa chọn quy trình sản xuất chè theo
hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP, từ việc cải tạo giống, khâu chăm sóc,
thu hái, chế biến… đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.
Thực hiện chương trình mỗi xã một
sản phẩm, xã Bảo Hưng cũng tiên phong xây dựng được 3 sản phẩm OCOP từ cây chè;
trong đó có 2 sản phẩm từ chè Bát Tiên là trà Bát Tiên Bảo Hưng và trà túi lọc
Bát Tiên Bảo Hưng.
Ông Phạm Văn Bàn, Giám đốc HTX
Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng chia sẻ: “Xác định rõ uy tín, chất lượng sản
phẩm và sức khỏe người tiêu dùng là quan trọng nhất, HTX đã liên kết chặt chẽ với
các tổ hợp tác và các nhóm hộ sản xuất chè để cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu
chè sạch.
Khi mua sản phẩm chè búp tươi để
chế biến, “chúng tôi cũng lựa chọn nghiêm ngặt những sản phẩm được sản xuất
theo phương thức hữu cơ hoặc các vườn chè được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn
VietGAP", ông Bàn cho hay.
Trong khâu chế biến, HTX cũng chú
trọng từng công đoạn để bảo đảm có được sản phẩm tốt nhất. Đến nay, HTX đã có 2
sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao là trà Bát Tiên Bảo Hưng và
trà túi lọc Bát Tiên Bảo Hưng. Các sản phẩm này đã được tiêu thụ rộng rãi trong
và ngoài tỉnh với giá từ 300.000 – 350.000 đồng/kg.
Giúp người dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã
Bảo Hưng Nguyễn Văn Bảy cho biết: "Đã từ nhiều năm nay, người dân trong xã
tập trung phát triển vùng chè sạch, chè chất lượng cao. Hiện, xã đã có trên 40
ha sản xuất theo quy trình VietGAP và đã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện
nay xã đang tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng
sản phẩm, nâng cấp sản phẩm chè OCOP từ 3 sao lên 4 sao đáp ứng nhu cầu thị trường,
đồng thời nâng cao thu nhập cho nhân dân”.
Theo đó, Nghị quyết
69/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII ban hành một
số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh
như một "cú huých" mạnh với sự phát triển cây chè ở huyện Trấn Yên.
Theo đó, khi trồng mới cây chè Bát Tiên, người dân được hỗ trợ 70% tiền giống
và phân bón... Nhờ động lực này, diện tích chè của huyện Trấn Yên tăng mạnh
theo từng năm, riêng năm 2023 diện tích đăng ký trồng mới lên tới gần 50 ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên
Nguyễn Đức Mầu cho biết, giá trị kinh tế mà chè giống mới Bát Tiên mang lại cho
người dân là rất lớn. Chính vì thế, huyện đặt mục tiêu sẽ xây dựng hình thành
vùng chè chất lượng cao với diện tích trên 500 ha; trong đó, chủ yếu là chè Bát
Tiên, Phúc Vân Tiên, LDP1… đưa sản lượng chè búp tươi lên trên 4.000 tấn/năm.
Ông Phạm Thăng Long, Chủ tịch
UBND xã Nga Quán cho biết nhờ những nỗ lực trong việc chăm sóc và không ngừng
nâng cao chất lượng sản phẩm, chè Bát Tiên Nga Quán đã được công nhận là sản phẩm
nông nghiệp an toàn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái với thành phần
100% là chè búp khô nguyên chất. Trung bình mỗi năm, chè Bát Tiên mang lại nguồn
thu hàng tỷ đồng cho người dân trong xã, cao nhất trong các loại cây trồng hiện
có của địa phương, góp phần đắc lực để người dân làm giàu ngay trên chính mảnh
đất quê hương.
Ngoài huyện Trấn Yên thì hiện nay
nhiều địa phương khác ở Yên Bái cũng đã mở rộng diện tích trồng chè Bát Tiên
như các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái…
Với khát khao cháy bỏng thay đổi
diện mạo một vùng chè, nên khi trồng chè Bát Tiên, người dân Yên Bái đã trang bị
cho mình những kiến thức chuyên sâu trong chăm sóc chè, các cách lựa chọn mẫu
bao bì, quảng bá sản phẩm, thâm nhập thị trường.... Đó là cơ sở để chè Bát Tiên
Yên Bái trở thành một thương hiệu chè nổi tiếng trong tương lai gần.
Nguồn: vnbusiness.vn