image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
76 NĂM PHONG TRÀO HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (11/4/1946 – 11/4/2022)

Hòa trong không khí sôi nổi của tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 76 năm phong trào hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946 – 11/4/2022), nhân dịp này, Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh thay mặt khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh nhà xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền toàn tỉnh hỗ trợ tích cực để kinh tế tập thể, hợp tác xã đổi mới, phát triển trong thời gian qua. Thay mặt Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh tôi gửi tới toàn thể đội ngũ cán bộ, thành viên và người lao động trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã toàn tỉnh lời chúc mừng sâu sắc nhất.

 Kỷ niệm ngày truyền thống, chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường theo dòng chảy thời gian 76 năm qua, khơi dậy lòng tự hào với những đóng góp to lớn của kinh tế tập thể, hợp tác xã vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; động viên các tầng lớp xã hội xây dựng và phát triển hợp tác xã; khẳng định quyết tâm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, Hợp tác xã theo đường lối lãnh đạo của Đảng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng Hợp tác xã vào Việt Nam, ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế tập thể, Hợp tác xã. Ngay sau cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 11/4/1946 cách đây 76 năm, trong bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam kêu gọi thành lập Hợp tác xã, trong thư Bác viết “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã. Hợp tác xã là gì? Nói tóm lại Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều”. Bác còn đưa ra những ví dụ rất đời thường, đơn giản và ngắn gọn “Nếu chúng ta đứng riêng ra thì sức nhỏ, mà không làm nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng một nơi thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cây cột ấy, bức tranh ấy, sức ấy làm ra cái nhà rộng rãi rồi anh em ở chung với nhau, ấy là hợp tác. Lại thí dụ 10 người, mỗi người riêng một nồi, nấu riêng một bếp, nấu rồi ăn riêng, ai rồi nấy dọn dẹp riêng của người ấy, thế thì mất bao nhiêu củi, nước, công phu và thì giờ. HTX là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi hao của tốn công, hiệu quả, lại có nhiều phần vui vẻ”. Trong thư Người còn viết: “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”. Người tha thiết kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên Hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có Hợp tác xã”.

Sau lời hiệu triệu của Người, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác (lúc đó gọi là tổ đổi công, tổ vần công) được hình thành rồi đến các Hợp tác xã phát triển mạnh mẽ. Năm 1964, sau 19 năm cũng vào ngày 11 tháng 4,  Bác Hồ gửi thư cho Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những HTX điển hình tiên tiến và yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các HTX phát triển. Cho đến nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã vẫn còn nguyên giá trị. Với dấu ấn của ngày 11 tháng 4, ngày 27 tháng 7 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1268/QĐ-TTg lấy ngày 11 tháng 4 hàng năm là “Ngày Hợp tác xã Việt Nam”.

Với truyền thống lịch sử hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, HTX ở nước ta 76 năm qua, chúng ta tự hào về những đóng góp to lớn của phong trào HTX với mỗi thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay trong thời đại hội nhập, các hợp tác xã đã phát huy bản chất, giá trị đích thực mình, tạo sức mạnh hợp tác, đoàn kết, gắn bó đổi mới và phát triển toàn diện, đã và đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, góp phần thiết thực phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Những mốc son lịch sử hào hùng của phong trào Hợp tác xã ở nước ta 76 năm qua cho chúng ta thấy rõ hơn về quá trình hình thành, phát triển và vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã:

Giai đoạn từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến năm 1955, hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong trào kinh tế hợp tác được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng với  các hình thức hợp tác chủ yếu là tổ vần công, tổ đổi công, tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc, Hợp tác xã Thủy tinh Dân chủ được thành lập, đây là HTX đầu tiên được thành lập đánh dấu sự ra đời của phong trào hợp tác xã ở nước ta.

Từ năm 1955 đến năm 1965, phong trào hợp tác xã phát triển mạnh trong thời kỳ này đã góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến thắng Điện Biên phủ, những hộ nông dân, người sản xuất nhỏ, thợ thủ công, tiểu thương thi đua hợp tác làm ăn hình thành nhiều HTX góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các HTX bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng nghìn HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp được thành lập, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Từ năm 1965 đến năm 1975, mặc dù trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, phong trào HTX giai đoạn này vẫn đ­ược củng cố, phát triển. Khu vực HTX trở thành một lực l­ượng kinh tế quan trọng là hậu ph­ương vững chắc cho tiền tuyến. Nhờ có HTX, chúng ta đã huy động triệt để sức người, sức của cung cấp cho tiền tuyến với khẩu hiệu hành động “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Các HTX còn là nơi giáo dục nâng cao ý thức chính trị, xây dựng nếp sống văn hóa tình làng nghĩa xóm, đóng góp tích cực vào thành tựu của cuộc cách mạng văn hóa ở nông thôn.

Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, phong trào cải tiến quản lý, tổ chức lại sản xuất trong các HTX được đẩy mạnh. Quy mô các HTX được mở rộng và tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên môn hoá và cơ giới hoá. Thời kỳ này cả nước có trên 76.000 HTX trong các ngành các lĩnh vực, thu hút hơn 20 triệu xã viên. Các HTX nông nghiệp làm ra hơn 80% sản lượng lương thực, thực phẩm. Các HTX tiểu thủ công nghiệp với trên 1,2 triệu lao động đã sản xuất ra khối lượng hàng hóa chiếm 30% giá trị sản lượng công nghiệp. Các HTX mua bán đã chiếm gần 20% tổng mức lưu chuyển bán lẻ của thị trường. Các HTX giao thông vận tải với hàng chục ngàn phương tiện đã vận chuyển hơn 45% khối lượng hành khách và hàng hóa của các địa phương. Các HTX tín dụng đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất của xã viên, khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Thời kỳ từ năm 1987 đến nay: Giai đoạn đầu cơ chế quản lý tập trung bao cấp dần xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước được hình thành điều tiết các quan hệ kinh tế; kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục được củng cố, đổi mới, chuyển đổi hoạt động thích ứng với cơ chế mới. Luật HTX được ban hành năm 1996 và từng bước được sửa đổi, bổ sung vào năm 2003 và năm 2012; bên cạnh đó Nghị quyết số 13 hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đối mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” được ban hành ngày 18/3/2002 đã thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đến khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đây chính là nền tảng pháp lý để hợp tác xã củng cố đổi mới phát triển bền vững.

Nam Định là địa phương có phong trào hợp tác xã phát triển từ rất sớm. Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế hợp tác xã của tỉnh đứng trước những nguy cơ, thách thức. Bên cạnh một số hợp tác xã sớm thích nghi được với cơ chế mới, phát huy được bản chất, giá trị của hợp tác xã không ngừng nâng cao được hiệu quả kinh tế hợp tác xã thì còn một bộ phận hợp tác xã gặp khó khăn, lúng túng, sản xuất kinh doanh trì trệ đến mức phải ngừng hoạt động hoặc giải thể hoặc chuyển hình thức sở hữu nhường chỗ cho các mô hình hợp tác xã kiểu mới được thành lập cùng với các hợp tác xã chuyển đổi hoạt động theo luật HTX 2012. Phát huy truyền thống vẻ vang dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước của các cấp ủy và chính quyền; sự hỗ trợ của các ngành, các tổ chức đoàn thể, với tinh thần “Hợp tác, đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững” phong trào hợp tác xã tỉnh Nam Định cùng với phong trào hợp tác xã cả nước đã đổi mới và phát triển hiệu quả. Kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong các lĩnh vực kinh tế. Hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã ngày càng đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên và tăng trưởng của chính hợp tác xã. Hoạt động của các hợp tác xã sau chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã với mô hình hợp tác xã kiểu mới đã thể hiện tính tích cực gắn kết với nhu cầu xã hội hướng đến mục tiêu giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới.

Đến nay khu vực kinh tế tập thể toàn tỉnh có 1.998 Tổ hợp tác và 484 hợp tác xã trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế (Công-Nông-Thương-Tín) thu hút trên 375 nghìn thành viên là cá nhân, hộ gia đình và gần 500 nghìn lao động làm việc với tổng tài sản trên 858.970, trong đó vốn điều lệ 703.210 triệu đồng; vốn hoạt động trên 3.300 tỷ đồng. Các hợp tác xã đã tổ chức tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ gắn với chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả kinh tế, chăm lo thu nhập và đời sống của thành viên. Nhiều hợp tác xã đã tích tụ ruộng đất và hình thành nên các cánh đồng lớn, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản; Hợp tác xã cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay đã có trên 100 hợp tác xã tham gia thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; có 07 HTX có tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hóa của hợp tác xã; 31 HTX đã có 54 sản phẩm đạt tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP gồm 1 sản phẩm 4 đạt sao và 53 sản phẩm 3 sao (chiếm 21,2% tổng sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh); có 30 HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị và liên kết với các HTX trong tỉnh sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản, xây dựng chuỗi giá trị; có 63 HTX tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng với 251 cánh đồng lớn với trên 13.000 ha. Công tác phát triển thành viên luôn được Liên minh Hợp tác xã tỉnh coi trọng. Các HTX thành lập mới đều tự nguyện tham gia thành viên, đến nay có trên 94% HTX là thành viên Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

Ngoài các mô hình hợp tác xã chuyên ngành truyền thống còn có các mô hình HTX đặc thù như: HTX của cựu Chiến binh, HTX của phụ nữ, HTX của thanh niên, HTX của người khuyết tật, HTX của các trang trại, gia trại…Các mô hình này không chỉ có ý nghĩa về phát triển kinh tế tập thể mà còn có tính nhân văn sâu sắc với vai trò kinh tế đi đôi với trách nhiệm xã hội thể hiện bản lĩnh, nhận thức và sự sáng tạo của khu vực kinh tế tập thể tỉnh nhà. Từ thực tiễn sinh động của quá trình đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong tỉnh thời gian qua, sự thành công của các mô hình mới đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm đã được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh khen thưởng và  đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương vinh danh, khen thưởng.

Kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang của HTX Việt Nam, phát huy những thành tựu trong những năm qua của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh Nam Định với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể các cấp, sự tham gia vào cuộc của các địa phương, sự cố gắng nỗ lực của lực lượng đông đảo xã viên, người lao động và nhân dân toàn tỉnh, nhất định trong thời gian tới, kinh tế tập thể Nam Định sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, thích ứng với trạng thái bình thường mới của dịch bệnh Covid-19, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của kinh tế tập thể, hợp tác xã, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh do Đảng, Nhà nước và địa phương giao phó, đưa khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã của tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các mục tiêu kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài của tỉnh./.

                                                                                  Trần Văn Phiệt -  Phó Chủ tịch Phụ trách Liên minh HTX tỉnh

Bản quyền Liên minh hợp tác xã tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 119 – Đường Lê Hồng Phong – Phường Nguyễn Du, Thành phố Nam Định
Điện thoại: 0228.3849058       Fax: 0228.3849058
Email:  lienminhnamdinh@gmail.com
Website:http://lienminhhtx.namdinh.gov.vn/