Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm
(OCOP)” được thực hiện nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng
phát triển nội lực, gia tăng giá trị, tạo cơ hội để hợp tác xã (HTX) sản xuất
ra sản phẩm có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng
thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Những
năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia chương trình,
góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả
năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực cho các HTX phát triển.
Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao
Thủy) chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm.
HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp
Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) được thành lập từ năm 2014 với 7 thành
viên tham gia, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đến nay đã phát triển lên 12
thành viên. Ông Vũ Tuấn Hiệp, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay HTX đang sản xuất
nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trên diện tích hơn 3.000m2
trong nhà màng, nhà lưới theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực
phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra. Trong đó, nấm đùi gà, nấm sò là 2 dòng nấm chủ
lực của HTX. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; sử dụng mô hình tưới
nước phun sương, nhỏ giọt; lắp đặt các thiết bị điều chỉnh độ ẩm trong nhà nấm…
nên cây nấm sinh trưởng và phát triển ổn định, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại, tổng
doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm. Ngoài mộc nhĩ khô, nấm linh chi khô, nấm sò
tươi, nấm đùi gà tươi, HTX còn chế biến được 2 sản phẩm ăn liền được khách hàng
rất ưa chuộng là nem nấm, giò nấm. HTX đang tạo việc làm cho 12 lao động chính
thức và 10 lao động thời vụ. Đặc biệt, từ khi chương trình OCOP được thực hiện,
triển khai trên địa bàn tỉnh, HTX đã tích cực hoàn thiện sản phẩm, nhiệt tình
tham gia. Đến nay, HTX đang sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao gồm: nấm
sò trắng Tuấn Hiệp, nấm sò nâu Tuấn Hiệp, nấm Linh chi Xuân Thủy, Mộc nhĩ thái
sợi Tuấn Hiệp, Nem nấm Tuấn Hiệp, Giò nấm Tuấn Hiệp. Với những thành tích đạt
được, năm 2022, HTX vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô
hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo…
Ngoài ra phải kể đến những HTX
tiêu biểu trong tham gia chương trình OCOP như: HTX Khang Tường, xã Giao An
(Giao Thủy) với 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm ruốc tôm he, nõn tôm he hấp, nõn tôm
rảo sấy khô, tôm sú, cá vược cắt khúc Khang Tường. HTX sản xuất, kinh doanh dịch
vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đã xây dựng thành công mô hình sản
xuất rau sạch hữu cơ, quy mô 20ha, sản lượng hàng trăm tấn/năm theo công nghệ
Nhật Bản. Toàn bộ sản phẩm được Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh và các cửa hàng
thực phẩm an toàn bao tiêu. Đến nay, HTX đã có 8 sản phẩm OCOP 3 sao gồm rau
muống, đậu bắp, dưa chuột, cải bắp, cải ngồng, su hào, khoai tây, cải
bó xôi. HTX Nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy) với mô hình trồng
rau, củ, quả công nghệ cao theo quy trình “6 không”: không phân bón hoá học,
không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích
thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo
quản sau thu hoạch. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, HTX đã có 2 sản
phẩm dưa hấu, dưa lê đạt OCOP 3 sao. HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí
Xuân Tiến (Xuân Trường) phát huy lợi thế, kinh nghiệm của làng nghề truyền thống,
đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, chế biến bánh đa nem, mì gạo theo quy
trình sản xuất hoàn toàn khép kín. Trung bình một tháng, HTX sản xuất được
120-150 tấn bánh đa nem, mì gạo. HTX có 2 sản phẩm gồm mỳ gạo Bảo Nguyên, bánh
đa nem Bảo Nguyên đã đạt OCOP 3 sao… Nhờ tích cực tham gia chương trình OCOP,
các HTX đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên
thị trường. Bên cạnh phát triển sản phẩm OCOP mới, các HTX cũng chủ động hoàn
thiện, nâng hạng sao cho sản phẩm đã đạt OCOP; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội
để thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tham gia liên kết sản xuất và tiêu
thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của các HTX
được chọn phân phối tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh
nông sản, thực phẩm sạch, an toàn trong và ngoài tỉnh. Đến hết năm 2022, đã có
51 HTX với 85 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 1 sản phẩm được xếp hạng 4 sao (chiếm
24,5%) tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh.
Để tham gia hiệu quả Chương
trình, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động tư vấn hỗ trợ các HTX triển
khai đăng ký sản xuất sản phẩm chủ lực tham gia chương trình như: phối hợp với
Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách, tư vấn cho
các HTX xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng phương án chủ động tổ chức sản xuất
gắn với thiết kế mẫu bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng, xây dựng
thương hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Đồng thời, tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều
hành của cán bộ HTX; triển khai các chính sách hỗ trợ HTX về phương thức quảng
bá, xúc tiến sản phẩm. Trên cơ sở đó, các HTX đã phát huy nội lực, mạnh dạn đầu
tư áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm
chủ lực, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, góp phần
nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao hơn cho HTX và thành viên.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh
tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham
gia chương trình OCOP; chủ động đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học
kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được
công nhận sản phẩm OCOP góp phần thực hiện tiêu chí về thúc đẩy phát triển sản
xuất ở nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Phấn đấu đến
năm 2025 mỗi HTX có ít nhất 1 sản phẩm OCOP, số sản phẩm OCOP của HTX luôn đạt
tỷ trọng từ 25% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh sau mỗi đợt đánh giá phân hạng./.
Nguồn: baonamdinh.vn