Trước những biến động của thị trường, nhiều hộ nông dân, HTX nông nghiệp ở Hải Dương vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại giá trị kinh tế cao. Đây chính là kết quả của việc xây dựng chuỗi liên kết trên cơ sở tiếp cận, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao.
Thời gian qua, huyện Gia Lộc phối
hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất phương án hỗ trợ các mô hình sản xuất
nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn phát triển. Các HTX, doanh nghiệp đang
trở thành điểm tựa, tạo phúc lợi, gia tăng thu nhập cho người lao động tại địa
phương.
Tạo khác biệt nhờ công nghệ
Một trong những điểm sáng lớn nhất
trong quá trình thúc đẩy công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Gia Lộc là
HTX Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn.
HTX hiện có 174 thành viên, là
HTX tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. HTX xây dựng được
120.000 m2 nhà màng để sản xuất dưa chuột, dưa lưới, cùng các loại rau củ khác.
HTX còn là đầu mối bao tiêu nông sản cho nông dân. Mỗi năm HTX thu lãi gần 2 tỷ
đồng.
Với quy mô diện tích lớn, sản xuất
chuyên canh rau màu theo hướng công nghệ cao nên hàng năm HTX đã giải quyết việc
làm thường xuyên cho 30 thành viên, lương trung bình là 7,5 triệu đồng/tháng và
dùng 100% nguyên liệu tại địa phương.
Ứng dụng công nghệ
giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng giá trị sản xuất (Ảnh: TL).
HTX luôn đồng hành với Sở
NN&PTNT Hải Dương, Chi cục phát triển nông thôn, Phòng NN&PTNT huyện và
Hội nông dân huyện Gia Lộc tham dự các hội thảo, xúc tiến thương mại, quảng bá
sản phẩm tại thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương…
Đến nay, sản phẩm rau, quả an
toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Tân Minh Đức đã chính thức ký hợp
đồng với hàng loạt doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH và dịch vụ xuất nhập khẩu
Oshitsu Việt Nam, Công ty TNHH Harumidori Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn bữa
ăn an toàn Hà Nội…
Cùng với Gia Lộc, ở thị xã Kinh
Môn những năm qua cũng đang hình thành một tầng lớp “nông dân công nghệ”, làm
nông nghiệp theo hướng hiện đại cho giá trị kinh tế vượt trội.
Điển hình, tại khu dân cư Duẩn
Khê, phường Long Xuyên, thay vì cây lúa, củ khoai như trước đây, người dân đang
lựa chọn trồng giống cây khó tính bậc nhất là dưa lưới, mỗi năm thu về hàng
trăm triệu đồng/ha.
Anh Lê Xuân Khái, một trong những
người đi đầu làm nông nghiệp công nghệ cao ở Duẩn Khê chia sẻ: "Sản xuất
trong nhà màng, nhà lưới không lo nắng cũng chẳng ngại mưa. Khi tưới nước chỉ cần
nhất nút là xong, hệ thống tưới sẽ tự động vận hành. Vừa tiết kiệm chi phí,
nhân công lại vừa đảm bảo kinh tế".
Ở Duẩn Khê hiện có 9 mô hình sản
xuất như thế với tổng diện tích nhà màng, nhà lưới lên tới hơn 10.000 m2. Điều
này cho thấy không chỉ doanh nghiệp với nền tảng về vốn, kỹ thuật mà những nông
dân thuần túy cũng có thể tiếp cận và thành công từ nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao.
Cần thêm động lực tạo đột phá
Có thể thấy, nông nghiệp là lĩnh
vực đầu tư tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro. Bởi sản xuất nông nghiệp mang tính
mùa vụ, lại nhạy cảm với nhiều yếu tố như thời tiết, thị trường. Vì vậy, ứng dụng
công nghệ cao sẽ khắc phục được phần nào điểm yếu của sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, đầu tư càng lớn sẽ phải
đối mặt với rủi ro càng nhiều vì thời gian thu hồi vốn lâu. Do đó, việc ứng dụng
công nghệ cao vào sản xuất được các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp tỉnh Hải
Dương tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Theo đại diện Chi cục Trồng trọt
và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương), nhà màng, nhà lưới là công
cụ hỗ trợ đắc lực cho sản xuất trồng trọt, song chỉ sử dụng khi cần thiết chứ
không nên lạm dụng.
Với đặc thù riêng, ứng dụng công
nghệ cao trong chăn nuôi là điều kiện quyết định để thành công. Do đó, ở lĩnh vực
này, người dân không thể đầu tư nửa vời mà phải thực hiện đồng bộ.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần
có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành. Người chăn nuôi cần được hỗ trợ
về vốn, cần có sự định hướng trong đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và quan trọng nhất
là dự báo thị trường. Sản xuất theo tín hiệu của thị trường nhưng phải kiểm
soát theo quy hoạch để tránh nguy cơ "vỡ trận".
Thời gian tới, Hải Dương tiếp tục
đề ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tập
trung quy hoạch phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên cơ
sở có sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường đầu
tư nguồn nhân lực khoa học công nghệ và chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ tiếp
thu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho người dân...
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương
trong vùng tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính
quyền, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ, lập đề án
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi
mới sáng tạo, thúc đẩy các HTX, doanh nghiệp tham gia xây dựng các chuỗi sản xuất
công nghệ cao…
Nguồn: vnbusiness.vn