Trong một hội nghị hồi cuối tháng
2/2023, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam Shiotani cho biết, mỗi năm,
công ty nhập hàng chục nghìn tấn chuối tại nhiều quốc gia với kim ngạch lên tới
100 triệu USD. Nếu trước đây, chuối từ Philippines áp đảo, thì nay lại là chuối
từ Việt Nam.
Cơ hội rộng mở
Cụ thể, theo ông Shiotani, trước
đây, chuối từ Philippines với ưu thế về sản lượng, chất lượng và giá cả chiếm tới
70% tổng số hàng nhập của công ty này. Nhưng kể từ năm 2018, khi Aeon ký kết
biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Nhật
Bản bắt đầu triển khai.
Nhờ chất lượng và hương vị áp đảo,
các sản phẩm chuối tươi và chế biến của Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản
đánh giá rất cao. Minh chứng là trong năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu chuối từ Việt
Nam sang Nhật Bản chiếm hơn 50%, và có thể cao hơn trong năm 2023.
"Việc lựa chọn nhà cung cấp
dựa trên mô hình sản xuất tuần hoàn, có chu trình khép kín để tạo ra chuối
tươi. Cùng với chất lượng và giá cả, một trong những tiêu chí được ưu tiên là
nhà cung cấp phải có phương thức canh tác bền vững, bảo vệ môi trường”, đại diện
Aeon nhấn mạnh.
Cần nhiều nỗ lực
và sự hỗ trợ thiết thực hơn để đưa sản phẩm HTX vào các chuỗi siêu thị lớn.
Chất lượng, sản lượng, giá cả và
sản xuất bền vững cũng là những tiêu chuẩn chung mà các đại siêu thị khác như
Walmart, Go!, Co.op mart, Winmart… đang áp dụng. Với tất cả các tiêu chuẩn
trên, HTX hoàn toàn có thể đáp ứng, và thực tế là vẫn đang triển khai.
Đơn cử, hiện mỗi năm, HTX LaBa
Banana Đạ K’Nàng sản xuất 4.000 tấn chuối, cung ứng cho thị trường Nhật Bản
(khoảng 80 tấn) và thị trường trong nước. Để chinh phục thị trường khó tính như
Nhật, việc sản xuất phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo.
Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản
xuất chất lượng cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ, việc thu hoạch, sơ chế,
đóng gói chuối cũng phải thực hiện đúng các quy trình về tuyển chọn, đo kích
thước, trọng lượng đến khử khuẩn, bảo quản.
Một yếu tố khác cũng được các chuỗi
siêu thị lớn ưu tiên là yếu tố phát triển bền vững. Ông Aly Ansari, Giám đốc
cao cấp phụ trách nguồn cung Tập đoàn Walmart (Mỹ), cho biết công ty luôn chú
trọng vào những sản phẩm được làm ra bởi những nhà cung cấp có đạo đức, trả
lương công bằng cho công nhân, đề cao phẩm giá người lao động.
“Đặc biệt, sản phẩm nông thủy sản
bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nếu Việt Nam áp dụng các giải pháp về
thích ứng biến đổi khí hậu để nuôi trồng sẽ được ưu tiên", ông Aly Ansari
nói.
Cần tâm thế sẵn sàng
Soi chiếu vào những tiêu chuẩn mà
các “gã khổng lồ” bán lẻ trên thế giới và trong nước đang áp dụng, có thể thấy
cơ hội của các HTX vẫn rất rộng mở. Điều quan trọng là các HTX đã thực sự sẵn
sàng về cả tâm thế và nguồn lực để gia nhập cuộc đua hay chưa.
Ở Vĩnh Phúc, hàng năm, ngành nông
nghiệp tỉnh sản xuất ra khoảng 240 nghìn tấn rau các loại, 60 nghìn tấn trái
cây, 1,9 nghìn tấn thủy sản… Trong đó, các HTX, tổ hợp tác chiếm tỷ trọng không
nhỏ.
Hiện, đã có hàng loạt đơn vị như
HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc… có thể đưa sản phẩm của
mình vào tiêu thụ tại các cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị Go!, Aeon,
Winmart, Co.opmart…, qua đó mở rộng thị trường, gia tăng thu nhập cho thành
viên.
Tuy nhiên, dù có những chuyển
biến tích cực, nhưng nhìn chung việc tiếp cận với các đại siêu thị vẫn là “bài
toán” không dễ giải với cả HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điển hình, tại HTX Sản xuất rau
an toàn Thanh Hà (Tam Đảo) với diện tích sản xuất hơn 6ha, mỗi ngày, HTX cung ứng
ra thị trường trên 3 tấn rau su su an toàn. Tuy nhiên, lượng sản phẩm được cung
cấp vào siêu thị chỉ dừng ở mức 2 tạ/ngày, số còn lại được tiêu thụ ở các chợ
truyền thống hoặc chợ đầu mối.
Nguyên nhân, theo Giám đốc HTX Nhâm
Đức Cải, là bởi: “HTX vẫn phải đắn đo bởi chính sách thu mua nông sản của một số
siêu thị có các điều khoản không có lợi cho nhà cung cấp như yêu cầu tỷ lệ chiết
khấu cao, phạt vi phạm hợp đồng…”.
Đứng ở góc độ siêu thị, ông Huỳnh
Nguyên Hà, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc cho biết: “Co.opmart Vĩnh Phúc
luôn ưu tiên đưa các mặt hàng nông sản an toàn của địa phương lên kệ. Tuy
nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều HTX, doanh nghiệp nông nghiệp đáp ứng
đầy đủ yêu cầu của siêu thị”.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy,
để cạnh tranh, mở đường lên kệ các đại siêu thị, bên cạnh chính sách hỗ trợ, bản
thân các HTX cũng cần một cuộc cách mạng trong sản xuất, làm thương hiệu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh
Hoan từng nhận định thời đại ngày nay là thời đại bi kịch của những người sản
xuất, vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Bởi
vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, người nông dân, HTX,
doanh nghiệp cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn khách hàng.
“Thay vì sản xuất 10 sản phẩm để
có 10 đồng, chúng ta hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất
lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá xây dựng thương hiệu để bán 1 sản phẩm
với giá 10 đồng, đó chính là tư duy kinh tế", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn
mạnh.
Nguồn: vnbusiness.vn