Kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) là cơ sở và lực lượng
cốt lõi để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đà phát triển kinh
tế - xã hội bền vững. Thời gian qua, các HTX trong tỉnh đã chung sức thực hiện
phong trào thi đua “HTX chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, đặc biệt là
hoàn thành tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Hợp tác xã hoa, cây cảnh Nam Phong (thành phố
Nam Định) ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa lan hồ điệp.
Năm 2021,
Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phát động phong trào thi đua “HTX chung sức xây
dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025” tới toàn thể đội ngũ cán
bộ, thành viên, người lao động trong khu vực KTTT, HTX nhằm hướng đến mục tiêu
xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đổi mới, diện mạo nông thôn phát
triển theo hướng hiện đại, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân
ngày càng được nâng cao. Các HTX tiếp tục tuyên truyền, vận động để thành viên
và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, giải pháp, đồng thời
hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, các HTX đẩy mạnh công tác phát triển thành viên, mở rộng quy mô
HTX; tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng sản xuất đảm bảo đủ
điều kiện sẵn sàng tham gia vào các chuỗi liên kết, dần từng bước tiến tới đầu
tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các HTX nông nghiệp đã tích cực thực
hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tham gia chương trình “Mỗi xã
một sản phẩm” gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Phấn đấu
mỗi HTX có ít nhất một sản phẩm chủ lực sản xuất gắn với chuỗi giá trị được
đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao trở lên. Cùng với đó, các HTX tiếp tục tập trung
vận động thành viên, người lao động chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu
theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo sự đồng thuận, sức mạnh
tổng hợp trong huy động đóng góp, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn. Nhờ vậy,
hoạt động của các HTX, nhất là sau chuyển đổi theo Luật HTX với mô hình HTX
kiểu mới đã thể hiện tính tích cực gắn kết với nhu cầu xã hội hướng đến mục
tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng NTM. Đến
nay, khu vực KTTT toàn tỉnh có trên 2.000 tổ hợp tác, 478 HTX trong các ngành,
lĩnh vực kinh tế, thu hút trên 382 nghìn thành viên là cá nhân, hộ gia đình và
gần 500 nghìn lao động làm việc. Các HTX đã tổ chức tốt hoạt động sản xuất,
kinh doanh dịch vụ gắn với chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập
và đời sống của thành viên. Thực tế cho thấy, khi tham gia chuỗi giá trị thì
chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5-8%, còn thu nhập của thành viên
tăng 20-25%, chất lượng sản phẩm cao, giá bán tăng, mang lại nhiều lợi ích cho
các thành viên. Toàn tỉnh đã có 65 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với các
doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên.
Hiện có 1.029 tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến -
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó bao gồm 935 hộ nông dân, 69 HTX, 25
doanh nghiệp. Hết năm 2021, toàn tỉnh có 20 HTX ứng dụng công nghệ cao, trong
đó 8 HTX áp dụng công nghệ trong canh tác, 6 HTX áp dụng công nghệ trong nuôi
trồng, bảo quản, 3 HTX áp dụng công nghệ tự động hóa, 3 HTX áp dụng công nghệ
sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Ngoài ra còn có 33 HTX áp dụng
công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Nhiều HTX đã đẩy
mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị để phát triển bền vững; tích
cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, tạo
ra sản phẩm nông nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu. Một số HTX áp dụng
công nghệ cao, quy trình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ để sản xuất ra
sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ; liên kết với doanh
nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên như HTX chăn
nuôi Sơn Nam (Hải Hậu), HTX rau sạch Trường Xuân (Giao Thủy), HTX hoa, cây cảnh
Nam Phong (thành phố Nam Định)... Một số HTX đã xây dựng và có thương hiệu sản
phẩm như HTX nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái (Trực Ninh); HTX Tiến Đạt, xã Hải
Triều (Hải Hậu); HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên); HTX sản xuất chế
biến nông sản Giao Thủy, xã Giao Châu (Giao Thủy)… Hoạt động hiệu quả của các
HTX đã góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 của bộ tiêu chí xây dựng NTM, được
thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất theo quy hoạch với nhiều cánh đồng lớn, tạo
ra khối lượng sản phẩm hàng hóa đủ lớn để tham gia thị trường trong nước và
phục vụ chế biến xuất khẩu, nhất là gạo chất lượng cao. Hiện đã có 1 HTX và 1
doanh nghiệp của tỉnh là đầu mối kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị chế biến,
tiêu thụ với 68 HTX nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, chương trình OCOP
tiếp tục được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng
bộ, hiệu quả, thu hút sự tham gia của các HTX. Khu vực KTTT tỉnh sau hơn 2 năm
triển khai chương trình OCOP đã có 28 HTX với 53 sản phẩm được xếp hạng 3 sao,
4 sao (chiếm 21,2% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Tiêu biểu như HTX dịch vụ
Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu) có 3 sản phẩm gồm Rượu nấm linh chi Linh
Phát, Nấm linh chi Linh Phát, Nấm bào ngư Linh Phát đã được UBND tỉnh công nhận
là sản phẩm OCOP đạt 3 sao. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam
Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) năm 2019 có 3 sản phẩm gồm rau muống, đậu
bắp, dưa chuột được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, xếp hạng
3 sao; năm 2020, HTX tiếp tục có thêm 5 sản phẩm gồm cải bắp, cải
ngồng, su hào, khoai tây, cải bó xôi được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao…
Với các hoạt động thiết thực, KTTT, HTX đã làm thay đổi diện mạo,
tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần sớm hoàn thành mục
tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu do tỉnh đề ra./.
Nguồn: baonamdinh.com.vn